Hàng loạt ngân hàng đã và đang chú trọng ngân hàng số nhằm tận dụng cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để phát triển và để chiếm lĩnh thị trường. Để làm điều này, không chỉ các ngân hàng mà cả hệ thống đều cần phải kiện toàn / mở rộng hệ thống công nghệ lõi cũng như đảm bảo công tác an ninh, an toàn bảo mật và kiểm soát rủi ro.
Về phía Ngân hàng nhà nước (NHNN), với chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động Ngân hàng, NHNN luôn quan tâm và chỉ đạo sát sao công tác bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin trong Ngành nói chung và trong lĩnh vực thanh toán nói riêng. Trên cơ sở các quy định của Nhà nước, NHNN đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về đảm bảo an toàn hoạt động Công nghệ thông tin (CNTT) trong Ngành tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế về an toàn thông tin (ATTT).

Mới đây, NHNN cũng ban hành Bộ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa và Bộ tiêu chuẩn ban hành Quyết định công bố tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa và tiêu chuẩn cơ sở “Đặc tả kỹ thuật QR-Code trong lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam” nhằm đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thẻ ngân hàng và thanh toán qua mã QR Code, tạo thuận lợi cho việc gia tăng các tính năng, tiện ích cho chủ thẻ.
Về phía các TCTD, đón đầu xu hướng phát triển của CMCN 4.0, các ngân hàng Việt Nam đã chủ động nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ vào một số công nghệ thành tựu của CMCN 4.0 trong sản phẩm, dịch vụ, hoạt động và quản trị của mình. Nổi bật nhất là việc triển khai thực tế các công nghệ số nền tảng như: Điện toán đám mây, Phân tích dữ liệu lớn, Trí tuệ nhân tạo, các ứng dụng, giải pháp như xác thực sinh trắc học, trao đổi dữ liệu mở qua giao diện chương trình ứng dụng (open API)… nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, gia tăng trải nghiệm khách hàng.
Nhiều TCTD đã triển khai áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về an ninh bảo mật như ISO 27001, PCI DSS. Đối với các giao dịch điện tử, để đảm bảo an toàn cũng như thuận tiện cho khách hàng, nhiều ngân hàng đã triển khai các giải pháp xác thực mới như xác thực bằng sinh trắc học (vân tay, tĩnh mạch lòng bàn tay, giọng nói), chữ ký số trên mobile; thanh toán sử dụng QR code.
Để nâng cao nhận thức cho khách hàng trong việc đảm bảo an toàn bảo mật các giao dịch trực tuyến, các TCTD bằng nhiều phương thức phong phú đã làm tốt công tác truyền thông đến khách hàng về các thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao và các biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân trong việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử và thanh toán thẻ.
Bản thân các ngân hàng đã đầu tư nhiều giải pháp bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) tiên tiến như: Tường lửa thế hệ mới, phần mềm ngăn chặn mã độc, giải pháp chống thất thoát dữ liệu, hệ thống phát hiện ngăn chặn xâm nhập; ban hành các quy định, quy trình nội bộ kiểm soát hoạt động công nghệ thông tin… Tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ trước tình hình tấn công mạng ngày càng gia tăng với mức độ tinh vi khó lường.
Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược dài hạn của các ngân hàng để nâng cao hiệu quả hoạt động, quản lý rủi ro và từ đó có nhiều cơ hội hơn cho phát triển. Rõ ràng, đầu tư vào công nghệ là việc cần thiết nhưng trên hết còn là câu chuyện ứng phó với các vấn đề về bảo mật, tăng cường an ninh mạng. Khi những giải pháp giảm thiểu rủi ro khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số, ngân hàng điện tử được ngân hàng quan tâm đầu tư; kiến thức về của người dân được nâng cao thì sẽ dần xóa bỏ tâm lý e ngại của người dân khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, từ đó thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Reference: https://tapchinganhang.gov.vn/giai-phap-tang-cuong-an-ninh-bao-mat-trong-phat-trien-ngan-hang-so.htm